Hòn Đá Bạc chốn tiên cảnh cuối trời Nam
Đây là một cụm hòn lớn, nhỏ cao nhất chỉ cao khoảng 50 m so với mực nước biển nằm liền kề nhau, với diện tích khoảng 7 ha. Bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc.
Đến đây du khách có thể nhìn thấy vô số những viên đá hoa cương xếp chồng lên nhau, với những hình thù hết sức độc đáo; cùng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh. Tuy không phải là một hòn đảo lớn nhưng Hòn Đá Bạc rất thuận tiện cho các loại phương tiện khai thác biển vào neo đậu và tránh gió bão.
Đi trên Hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của Hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên. Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải .Tương truyền, đền thờ Ông Nam Hải rất thiêng. Ngày nay, không chỉ ngư dân trong khu vực mà cả du khách thập phương nghe tiếng Ông linh thiêng đều kéo về cúng viếng và cầu mong Ông phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, không gặp sóng gió, trắc trở.
Hòn Đá Bạc còn có một thảm thực vật tự nhiên thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Biển đá Bạc là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. ngoài ra đây còn là nơi sinh sản, trú ngụ của loài hàu. Từ năm này sang năm khác, loài hàu ấy cứ bám mình vào các tảng đá ngầm để sinh sôi, nẩy nở.